PHƯƠNG CHÂM CHO THIẾT KẾ KIẾN TRÚC – QUY HOẠCH CÁC VÙNG LÃNH THỔ ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN HÔM NAY

Thời khắc đã điểm

Các báo cáo do Hội đồng Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của LHQ công bố đã xác nhận trách nhiệm của con người đối với sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Hơn 15.000 nhà khoa học cùng xác nhận rằng “biến đổi khí hậu sẽ sớm trở nên khó chữa nếu chúng ta hành động quá trễ”. Liên Hiệp Quốc đã thông báo một thực tế đau đớn: lượng khí nhà kính đang thải ra ở mức 52 tỷ tấn mỗi năm, trong khi giới hạn cho phép chỉ ở mức 36 hoặc thậm chí 24 tỷ tấn để giữ độ tăng nhiệt độ toàn cầu thế kỉ này ở mức dưới 2°C (so với thời kì tiền công nghiệp), để giữ cho tương lai hành tinh và nhân loại an bình.

Hội nghị về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2017, COP 23, đã thất bại. Các cam kết thực hiện hai năm trước đó tại COP 21 sẽ dẫn đến sự tăng nhiệt độ Trái Đất từ 3 – 3,5°C. Nhưng chúng ta vẫn nên lạc quan vì vẫn còn thời gian để hành động.

NHỮNG MỐI ĐE DỌA CHỒNG CHẤT

Ngoài sự biến đổi khí hậu do khí nhà kính, các mối đe dọa khác cũng đang tích lũy: sự đa dạng sinh học suy giảm; các nguồn tài nguyên không tái tạo dần khan hiếm; không khí, đất đai và biển ô nhiễm; sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, trước tình trạng phân bố của cải và với những ảnh hưởng từ sự mất cân bằng toàn cầu… Chỉ kiểm soát tốt vấn đề năng lượng sẽ không đủ để giữ sự an bình cho nhân loại và hành tinh chúng ta.

CHÚNG TA ĐÃ NÓI GÌ VÀ LÀM GÌ ?

Liệu những chính sách các quốc gia đã đưa ra có thoả đáng với mức độ trầm trọng của những thử thách nêu trên? Chính phủ các nước cứ lần lượt công bố các ý tưởng để rồi sau đó liên tục trì hoãn hành động. Cứ như vậy, mục tiêu giảm tỷ trọng điện hạt nhân trong ngành điện đã bị hoãn vô thời hạn, tác động xấu đến sự phát triển của lĩnh vực năng lượng tái tạo trong suốt nhiều năm.

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, mục tiêu môi trường không còn là ưu tiên thiết yếu nữa. Việc sửa đổi các cam kết theo chiều hướng tiết giảm, những công bố các biện pháp ngân sách hành động không thoả đáng, mà điển hình là qua các dự án cải tạo công trình xây dựng hiện trạng nhằm tiết kiệm năng lượng, và việc hạ thấp những chương trình tài chính hỗ trợ nhà ở xã hội, là những minh chứng rõ ràng và đáng lo ngại.

PHƯƠNG THỨC PHÁT TRIỂN LỖI THỜI

Tại sao chúng ta lại từ chối nhìn nhận tương lai? Có phải chúng ta mãi bị mắc kẹt trong một phương thức phát triển mù quáng? Bằng lẽ nào mà chúng ta lại luôn ưu tiên cho một nền sản xuất của cải luôn tăng trưởng mà không thấy được những tài nguyên đang cạn kiệt và hành tinh này đang mất cân bằng. Bằng lẽ nào chúng ta lại có thể ưu ái cho một nền thịnh vượng tài chính mà không chịu thấy sự bất bình đẳng ngày một phồng to lên, mà không chịu nhìn nhận món nợ của chúng ta đối với thiên nhiên? Bằng lẽ nào, mà chúng ta lại ưu tiên cho những cạnh tranh vị kỷ mà không thấy được tình đoàn kết nhân loại đang bị bào mòn, không thấy được sự hào hiệp nhân loại đang bị ghìm hãm? Phương thức phát triển này, vốn tồn tại từ thời nào trước, rõ ràng đã và đang làm tê liệt quá trình chuyển vận sinh thái và xã hội hôm nay.

TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG

Nhưng thế giới đang thay đổi và những hạt mầm tốt vẫn đang sinh sôi trên khắp hành tinh chúng ta. Một nền nông nghiệp vì con người và vì thiên nhiên đã vượt qua được khoảng lề nhỏ được dành cho nó trước đây để phát triển những chuỗi cung ứng ngắn bền vững. Một nền kinh tế hợp tác xã, đoàn kết, vì xã hội đã có chỗ đứng bên ngoài và độc lập trước khu vực thương lái truyền thống và trước những kẻ mạo danh “hợp tác”. Trong tinh thần đó, việc sử dụng của cải có chia sẻ đang thắng thế trước sở hữu cá nhân, tinh thần vì nhau thắng thế trước sự chỉ vì mình, và sự điều độ trước sự lãng phí. Một thế giới mới đang nảy sinh.

TRỌNG TRÁCH CỦA NGưỜI làm NGHỀ XÂY DỰNG

Những người trong lĩnh vực xây dựng công trình và đất đai lãnh thổ không thể nào trốn tránh khỏi trách nhiệm của họ. Hoạt động của họ thải ra ít nhất 40% khí nhà kính, để xây dựng công trình, và thậm chí nhiều hơn nữa để lưu chuyển chỉ vì những phương án quy hoạch đô thị không hợp lý, hoặc bởi ý thích xây dựng mới hơn cải tạo. Những kiểu quy hoạch đó, đang xoá sổ cứ mỗi thập kỉ, một diện tích đất nông nghiệp tương đương với một huyện. Đã đến lúc buộc phải có một cam kết tập thể lẫn cá nhân, về sự giản dị và tiết kiệm, như một phương châm thiết yếu cho hoạt động nghề.

GIẢN & KIỆM VỀ NĂNG LƯỢNG

Ngành xây dựng công trình đang có những thay đổi. Nhiều dự án sản xuất năng lượng tái tạo ở quy mô địa phương có sự tham gia của cộng đồng đang được phát triển. Ở quy mô công trình, chúng ta đã biết xây dựng những toà nhà không độc hại và dễ chịu để sống, không cần đến thông gió cơ giới cũng như máy điều hoà nhiệt độ hay máy sưởi. Nhờ vào thông gió tự nhiên, nhờ vào việc làm mát thụ động, nhờ vào cách tận dụng các nguồn nhiệt có sẵn và tận dụng khả năng trữ nhiệt riêng của toà nhà, phương pháp thiết kế sinh khí hậu cho phép việc tiêu thụ năng lượng của toà nhà giảm đến mức tối thiểu, mà vẫn đảm bảo cho tiện nghi nâng cao. Chúng ta đã làm được điều này và biết rằng nó không gây tốn kém nhiều. Vậy tại sao chúng ta không phổ biến rộng những cách thức xây dựng này?

GIẢN & KIỆM VỀ VẬT LIỆU

Chúng ta cũng đã biết bỏ qua những vật liệu gây lãng phí nguồn tài nguyên. Việc xây dựng với vật liệu gỗ, trong một thời gian dài vốn chỉ được sử dụng ở công trình nhà đơn lẻ, nay đang được áp dụng cho kiến trúc các công trình công cộng hoành tráng và kiến trúc nhà ở tập thể cao hơn 20 tầng. Các vật liệu cách âm, cách nhiệt có nguồn gốc từ sinh học, cách đây không lâu còn ít được biết đến, nay đã hiện diện gần 10% thị trường và trên đà tăng thêm 10% mỗi năm. Việc xây dựng bằng đất thô, nguồn vật liệu mang tính di sản của chúng ta, vốn bị thế kỉ XX vùi lấp trong vùng tối, đang vươn ra mạnh mẽ. Tất cả những bước tiến này về vật liệu đang củng cố sự phát triển của những ngành nghề và kiến thức xây dựng địa phương, ở quy mô rộng khắp các vùng lãnh thổ.

GIẢN & KIỆM VỀ CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT

Sự giản & kiệm trong năng lượng, trong nguyên liệu, trong hoạt động bảo trì và bảo dưỡng dẫn đến những cách tiếp cận mang tính low-tech.  Điều này không có nghĩa là không cần tới công nghệ, mà đúng ra là vẫn dựa vào đó nhưng ưu tiên cho những biện pháp kỹ thuật thoả đáng, thích hợp, không gây ô nhiễm, không gây lãng phí, chẳng hạn chọn những thiết bị dễ sửa, dễ tái chế và dễ tái sử dụng. Trong thiết kế cũng như xây dựng, giản và kiệm sẽ đòi hỏi sự cải cách, phát minh và trí tuệ của tập thể. Sự giản & kiệm buộc phải gạt bỏ sự bá quyền về tầm nhìn thuần kỹ thuật của người xây dựng mà duy trì vai trò can dự của người sử dụng. Chính họ – người sử dụng mới phải cần được coi là thông minh chứ không phải bản thân toà nhà thông minh.

GIẢN & KIỆM CẦN CHO ĐẤT ĐAI LÃNH THỔ

Cho dù được xây dựng trong khu vực thành thị hay nông thôn, công trình theo phương châm “giản và kiệm” đều để ý đến bối cảnh của nó. Công trình đó sử dụng đất đai và tài nguyên địa phương một cách cẩn trọng là tôn trọng khí trời, đất, nước, sự đa dạng sinh học… Công trình đó hào hiệp với lãnh thổ của nó và biết chú ý đến người dân xung quanh. Từ việc xác định chương trình đến phương án xây dựng, công trình “giản & kiệm” ưu tiên cho việc giảm nhẹ dấu vết sinh thái của nó, ưu tiên cho tất cả những gì khiến nó trở thành nơi đáng sống với giá trị chuẩn mực, công bằng.

HÃY HƯỚNG TỚI “GIẢN & KIỆM”

Sự chuyển dịch cân bằng sinh thái và chống lại biến đổi khí hậu cùng đóng góp vào việc sử dụng thận trọng các nguồn tài nguyên không tái tạo, vào việc bảo tồn đa dạng sinh học và văn hóa vì một hành tinh tốt hơn cho cuộc sống của chúng ta. Việc duy trì những giải pháp kiến trúc-đô thị-kỹ thuật trước đây, cũng như cung cách hiện tại của chúng ta trong ăn, ở, làm việc, di chuyển, không tương thích với nhiệm vụ đang đè nặng lên thế hệ chúng ta: hứng chịu và xoá bỏ sự mất cân bằng của trái Đất.

Công trình và lãnh thổ theo hướng “giản & kiệm” –  dù ở đô thị hay nông thôn – là lựa chọn, là phản hồi của chúng tôi, những người trong nghề xây dựng. Chúng tôi chia sẻ qua việc giảng dạy, qua hoạt động tuyên truyền và qua xuất bản sách báo. Qua thực thi, chúng tôi xây dựng nên những công trình và những lãnh thổ theo hướng “giản & kiệm”,  để cùng góp sức thiết lập một xã hội sáng tạo, hạnh phúc và có trách nhiệm với hệ sinh thái chung.

Alain Bornarel
Dominique Gauzin-Müller
Philippe Madec

I sign the Manifesto :

lequipe 6
Philippe Madec, Dominique Gauzin-Müller, Alain Bornarel